Hiện nay, người nông dân Việt Nam đang sử dụng quá nhiều phân vô cơ và thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học vào sản xuất lúa. Điều đó đã và đang gây thoái hóa đất nông nghiệp, giảm chất lượng hạt gạo và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Nhiều người đang lo ngại rằng, trong thời gian không xa nữa, đồng ruộng Việt Nam sẽ bạc màu, không còn khả năng trồng trọt, số lượng người bị các bệnh ung thư tiểu đường… sẽ tăng cao. Chính vì vậy, để cứu lấy nền nông nghiệp cho tương lai và sức khoẻ cho con người, việc áp dụng các quy trình canh tác hữu cơ vào trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trên cây lúa nói riêng đang được Bộ NN&PTNT khuyến khích và phát triển rộng rãi.
Mô hình canh tác lúa hữu cơ là mô hình trồng trọt không sử dụng các loại phân bón hoá học, thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng trong quá trình sản xuất. Chính những điều này đã đảm bảo được chất lượng sản phẩm từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch, góp phần làm môi trường sinh thái được cân bằng và tạo ra nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, có lợi cho sức khoẻ con người.
Bao bì sản phẩm gạo hữu cơ của Công ty CP Nông Nghiệp GAP
Vì sức khỏe của người tiêu dùng, hiện nay công ty Nông Nghiệp GAP đang triển khai quy trình trồng lúa hữu cơ dùng hoàn toàn phân bón hữu cơ Black Castings và phân bón lá Vermaplex tại HTX Hùng Cường (Đồng Tháp) với diện tích 4.000 m2 giống lúa nàng hoa 9, Jasmine 85 và huyện Cần Giuộc (Long An) với diện tích 1.500 m2 giống lúa tài nguyên Long An. Hai loại phân bón Black Castings và Vermaplex được viện OMRI chứng nhận là phân bón hữu cơ 100% sử dụng trong ngành nông nghiệp sạch tại Mỹ.
Với việc xây dựng mô hình sản xuất gạo hoàn toàn hữu cơ nhằm cung cấp cho các siêu thị tại TPHCM, công ty CP Nông Nghiệp GAP mong muốn nhân rộng mô hình trong thời gian sắp tới nhằm đáp ứng đủ cho thị trường một loại gạo hữu cơ đảm bảo về chất lượng, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Nguồn: Công ty CP Nông Nghiệp GAP