Với việc xuất khẩu thanh long sấy thăng hoa cấp đông sang thị trường Mỹ, Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP đã mở ra một hướng đi mới, giúp trái thanh long Việt Nam từng bước khẳng định vị thế.
Nông dân huyện Chợ Gạo thu hoạch thanh long.
Đầu tư thấp, lợi nhuận cao
Ông Võ Ngọc Diệp (Sáu Diệp), Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Lương Phú, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo cho biết, thanh long là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận thu được khá cao, vì vậy những năm qua bà con tranh thủ mở rộng diện tích lên đáng kể (hiện đạt khoảng 3.000 héc ta so với con số khoảng 2.500 héc ta cuối năm 2010). Nếu ruộng thanh long đã chuẩn (tức ruộng đang thu hoạch) chi phí đầu tư ít lắm, chỉ 1,5 - 2 triệu đồng/công (công 1.000 m2) thôi.
Ông Nguyễn Văn Mười, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo cho biết: "Trồng thanh long nặng chi phí nhất là lúc trồng mới, khi cây đã cho trái rồi thì khỏe lắm. Đối với 1 héc ta thanh long của tôi, mỗi năm chỉ tốn chưa tới 20 triệu đồng tiền đầu tư, gồm phân thuốc các thứ hết". Tuy chi phí đầu tư thấp, nhưng lợi nhuận ròng thu được từ cây thanh long rất lớn, dao động từ 250 - 400 triệu đồng/héc ta, tùy thuộc vào giá cả thị trường cao hay thấp.
Theo bà con trồng thanh long tại huyện Chợ Gạo, hiện thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (trọng lượng 300 gam/trái trở lên, da bóng đẹp) được thương lái mua tại vườn khoảng 12.000 đồng/kg, dù có giảm nhẹ so với mức giá cách đây hơn nửa tháng, nhưng vẫn được xem là khá cao.
Xuất khẩu thanh long sấy
Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), hiện thanh long Việt Nam đã xuất khẩu qua hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch đạt 107 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong năm 2011, tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới dạng tươi. Việc xuất khẩu thanh long sấy thăng hoa cấp đông sang Mỹ là hướng đi mới, mở ra cơ hội mới cho thanh long Việt Nam xâm nhập vào những thị trường xa với giá trị kinh tế cao hơn.
Sấy thăng hoa cấp đông nghĩa là sau khi sơ chế trái thanh long xong, chúng ta sẽ tiến hành cắt lát ra, sau đó đem đi cấp đông, cấp đông xong rồi mới bắt đầu đưa vào sấy. Trong phương pháp sấy này, nước trong lát thanh long sẽ được rút ra từ từ cho đến khi khô hẳn, chỉ còn 2% nước trong lát thanh long thôi", bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP cho biết. Phương pháp sấy này giúp miếng thanh long giữ được nguyên vị, không bị biến dạng so với các phương pháp sấy khác. Bước đầu, công ty đã xuất được 3 container (5 tấn/công) sang thị trường Mỹ. Xuất khẩu thanh long sấy thăng hoa cấp đông tiện hơn so với xuất tươi, vì lưu giữ được lâu hơn (18 tháng), giá trị tăng cao hơn.
Thời gian tới, ngoài thị trường Mỹ, Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP sẽ mở rộng xuất khẩu thanh long sấy thăng hoa cấp đông sang thị trường châu Âu, Úc... "Việc đưa thanh long sấy thăng hoa cấp đông vào những thị trường khó tính, khoảng cách địa lý xa đã mở ra cơ hội mới cho trái thanh long" - bà Anh khẳng định.
Trung Chánh